Chuyên gia: Sự cố thủy điện Sông Bung 2 không phải do bão lũ


Trước việc lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam thông tin trong sự cố xảy ra ngày 13/9 tại thủy điện Sông Bung 2, nước lũ tràn về làm “bục cửa van số 2, hầm dẫn dòng”, ông Hoàng Xuân Hồng (Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam) cho rằng: “Về nguyên tắc và kinh nghiệm làm thủy điện, không nên đóng van cửa ống dẫn dòng vào mùa lũ, phải mở ra để thoát lũ”.

Còn theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, lũ gây ra sự cố vừa qua chỉ 560 m3/giây, không thể đổ lỗi cho lũ lớn. Về kỹ thuật, đường ống dẫn dòng là phần kết cấu chuyển nước, không phải hạng mục chịu sức ảnh hưởng của lũ hay mực nước lớn. “Nếu vỡ hay tràn đập mới có thể nhận định do lũ lớn đột ngột. Các đường ống đều có thông số cụ thể, lưu lượng qua đường ống muốn tăng thêm cũng không được”.

“Phải kiểm tra lại hồ sơ thiết kế cửa van đã chuẩn xác chưa? Đặc biệt là chất lượng thi công như thế nào?”, ông Trường đặt nghi vấn.

Một chuyên gia khác cũng loại bỏ nguyên nhân bão lũ. Ông lưu ý trước khi có lũ, hồ Sông Bung 2 mới tích được hơn một nửa dung tích, khoảng 50 triệu m3 trong tổng số 92 triệu m3 thiết kế, tức là hồ vẫn còn khả năng tích nước thêm.

chuyen-gia-su-co-thuy-dien-song-bung-2-khong-phai-do-bao-lu
Thủy điện Sông Bung 2. Ảnh: Sơn Thủy.

Sự cố thủy điện Sông Bung 2, theo các chuyên gia một lần nữa cảnh báo về quy hoạch và an toàn đập thủy điện ở Việt Nam. Đặc biệt miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn nhiều công trình thủy điện, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Đắc Nông với hàng trăm thủy điện lớn nhỏ đã và sẽ triển khai.

Các chuyên gia cho rằng, không phủ nhận vai trò đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia, nhưng việc phát triển thủy điện ồ ạt đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là hệ lụy từ việc xả lũ khiến người dân hạ lưu ở vùng hồ, đập thủy điện luôn sống trong nỗi lo sợ mỗi mùa mưa bão về.

Để hạn chế việc phát triển đập tràn lan mà không chú trọng đến chất lượng, các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý cần quy định rõ trách nhiệm từng bên như chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong việc quản lý và giám sát sự vận hành của nhà máy, đặc biệt trong tích và xả nước.

“Tôi không phản đối việc xây dựng thủy điện, nhưng quan trọng là con người phải quy hoạch, thiết kế, thi công và quản lý như thế nào để không gây ra hậu quả đáng tiếc”, ông Hồng nói.

Sự cố thủy điện Sông Bung 2 diễn ra như thế nào

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân ban đầu của sự cố là do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới từ ngày 11/9. Nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn, khoảng 560m3/s.

16h25 ngày 13/9, các công nhân của nhà thầu đang múc bùn đọng ở hầm dẫn dòng, chuẩn bị đổ bê tông thì nước lũ tràn về làm bục cửa van số 2 nặng 120 tấn. Hầm dẫn dòng ngập, hai công nhân lái máy đào bị nước cuốn trôi. Nước lũ sau đó cũng đổ xuống ảnh hưởng đến các khu dân cư, trong đó có làng Pà Ooi, xã La Ê (Nam Giang, Quảng Nam) nằm dưới chân đập thủy điện Sông Bung 2, cách khoảng 5 km.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *