6 trở lực khi xuất ngoại của ngành in Việt Nam


Thiết bị di động và truyền thông xã hội ‘đẩy’ ngành in Việt Nam phải tăng cường xuất ngoại để phát triển, nhưng con đường cũng không dễ dàng.

Chia sẻ trong tọa đàm gần đây về giải pháp mở rộng thị trường nước ngoài cho ngành in, ông Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội in TP HCM nói ngành này đang có 3 động lực cơ bản để “xuất ngoại”. Đó là xu thế hội nhập kinh tế; diễn biến tranh chấp thương mại Mỹ – Trung rút ngắn tiến trình tiếp cận với thị trường gia công cho nước ngoài bởi nhu cầu tìm thêm đối tác và sự bão hòa của xuất bản phẩm trong nước.

“Thị trường phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận xu hướng tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, gần đây, tình hình xuất thành phẩm ngày càng đi xuống do sự phát triển của mạng di động cũng như truyền thông mạng xã hội”, ông Tuấn nhận xét.

Ông Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội in TP HCM. Ảnh: Thế Danh

Để rộng cửa hơn cho ngành in xuất ngoại, nhiều đại diện doanh nghiệp có liên quan của ngành này đồng thuận về nguyên tắc 6M. Đó chính là tiêu chí cạnh tranh quốc tế nhưng đồng thời cũng là những trở lực mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi hội nhập.

Đầu tiên, là môi trường (Mother Nature). Theo ông Nguyễn Xuân Tùng – CEO Công ty bao bì Inbox, dù đã có những động thái tiếp cận, nhìn chung các doanh nghiệp trong nước còn khá lúng túng trước các thủ tục cũng như đổi mới nhằm đạt được các chứng nhận, chứng chỉ về xả thải, bảo vệ cảnh quan, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Bà Tô Mỹ Châu – Tổng giám đốc CP Paper, công ty giấy Việt Nam đầu tiên trong ngành có chứng nhận công trình xanh (Leed) nói rằng, đơn vị này không chạy theo chứng chỉ mà đầu tư vì mang lại lợi ích thực tế.

“Đừng nghĩ Việt Nam hiện nay giá điện, giá nước còn thấp mà sử dụng không kiểm soát. Khoảng 3-5 năm tới, giá điện sẽ tăng dần, lúc đó muốn đầu tư ngay từ đầu cũng đâu còn kịp”, bà Châu nhận xét.

Bà Tô Mỹ Châu – Tổng giám đốc CP Paper. Ảnh: Thế Danh

Thứ hai, là máy móc thiết bị (Machines). Các doanh nghiệp trong ngành in thừa nhận, phần lớn các trang thiết bị hiện nay phải nhập khẩu. Chi phí là không nhỏ nhưng đây là khoản đầu tư ‘cứng’  trong tiến trình hội nhập. 

Ông Phan Văn Hoàng – Giám đốc công ty Cửu Long, chuyên cung cấp thiết bị, máy in của Nhật Bản nói, để tiết kiệm chi phí thì doanh nghiệp ngành in có thể nhập máy cũ nhưng quy định niên hạn máy trong 10 năm, khi nước ngoài chưa hết khấu hao thì lượng máy về rất ít nên giá vẫn cao. Do đó, theo ông Hoàng, cơ quan quản lý nên cân nhắc nới lỏng niên hạn máy móc do nhóm G7 sản xuất.

Thứ ba, là nguyên liệu (Materials). Ông Nguyễn Xuân Tùng cho rằng, các doanh nghiệp ngành in trong nước hiện phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu nên tính cạnh tranh kém. Vấn đề là làm sao để ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất giấy có  nhiều sản phẩm hơn để nắm bắt nhu cầu của ngành in, hạn chế nhập khẩu.

Thứ tư, là phương pháp kỹ thuật, đào tạo nghề (Methods). Các doanh nghiệp thừa nhận, kiến thức chuyên môn so với chuẩn hội nhập tụt hậu so với nhiều nước. Thái Lan đã có 8 trường đại học chuyên dạy về in và bao bì, Singapore cũng có nhiều trường dạy về thiết kế.

Ở Việt Nam, nhân lực ngành in đang thiếu nhiều. Hà Nội có một trường cao đẳng dạy nghề nhưng không đủ khả năng cung ứng cho hết phía Bắc. Miền Nam chỉ có Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cung ứng vài trăm cử nhân mỗi năm. “Những cơ sở, trường đào tạo khác về ngành nghề này thì thường mới vừa lên một vài năm lại không thấy nữa”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Xuân Tùng – CEO Công ty bao bì Inbox. Ảnh: Thế Danh

Ngoài ra, bà Tô Mỹ Châu nêu kinh nghiệm rằng doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn để dự đoán tốt các yêu cầu của khách hàng tiềm năng. “Thay vì ‘nước tới chân mới nhảy’, các doanh nghiệp nên nhìn rộng và xa hơn, vào những gì gọi là xu hướng thị trường để đón đầu, có những bước chuẩn bị tốt hơn và sự cạnh tranh tốt hơn về lâu dài”, bà Châu nói.

Thứ năm, là con người (Man). Trở lực con người bao gồm thách thức cá nhân và cộng đồng. Cũng theo bà Châu, kỹ năng mềm trong giao thương quốc tế đang rất quan trọng. “Như ngoại ngữ, tối thiểu phải là Anh ngữ. Thậm chí, nếu làm việc với các đối tác Trung Quốc hay Đài Loan thì đội ngũ phải có những chuyên viên chuyên trách nói tiếng Hoa”, bà Châu ví dụ.

Còn theo ông Tùng, ngoài vấn đề nhân lực thì cộng đồng các doanh nghiệp trong ngành hoặc liên ngành phải có tính liên kết, hợp tác.

Cuối cùng, là đo lường (Measurement). Các yêu cầu chất lượng của đối tác là chìa khóa tiên quyết để xuất ngoại. Ông Nguyễn Thái Dũng – Giám đốc nghiên cứu phát triển Công ty Huynh đệ Anh Khoa cho biết, thay vì ISO 9000, thế giới đang chuộng chứng chỉ GMI trong quản lý quy trình in.

“Có 800 nhà in được cấp chứng chỉ GMI, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 350 nhà in. Nếu mọi người tìm hiểu tại thị trường Việt Nam thì có 15 nhà in có chứng chỉ GMI, 90% trong đó là các công ty FDI”, ông Dũng cho biết.

Theo vnexpress.net

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *