APEC – nơi khởi xướng ý tưởng cho châu Á – Thái Bình Dương


APEC là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại.

Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989 tại Canberra, Australia bởi 12 thành viên, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thắt chặt các mối quan hệ trong cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương.
APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, với khoảng 2,8 tỷ dân và đóng góp 43 nghìn tỷ USD tổng GDP, 20 nghìn tỷ USD thương mại quốc tế; tương đương khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.
APEC không phải là một tổ chức mang tính ràng buộc pháp lý và có quyền hạn giải quyết tranh chấp thương mại như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Diễn đàn này hoạt động trên cơ sở tham vấn và xây dựng đồng thuận. Các chính sách mới được thông qua trong các cuộc họp của APEC được nhất trí theo tinh thần tự nguyện và cùng có lợi. Phần lớn tiến bộ của APEC đạt được thông qua việc các thành viên hướng dẫn và thúc giục lẫn nhau, theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA), Bộ Thương mại Mỹ.
Tại hội nghị năm 1994 tại Indonesia, các lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua các mục tiêu Bogor, xác định APEC sẽ trở thành một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư trong tương lai.
Các mục tiêu Bogor bao gồm cắt giảm rào cản đối với thương mại và đầu tư; tăng cường lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn; thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Thời hạn để hoàn tất các mục tiêu Bogor đối với các nền kinh tế phát triển là năm 2010 và đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển là năm 2020.

Cơ chế khởi xướng ý tưởng
Sự ra đời và phát triển của APEC đáp ứng nhu cầu đối thoại và hợp tác của các thành viên và khu vực từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. APEC là nơi các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và giới học giả gặp gỡ, trao đổi những ý tưởng và sáng kiến về thúc đẩy tăng trưởng và liên kết, không chỉ trong khuôn khổ APEC mà còn mở rộng ra toàn châu Á – Thái Bình Dương.
Năm 2010, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 18 tại Nhật Bản, tuyên bố của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần đầu tiên xác định vai trò của APEC là “cơ chế khởi xướng ý tưởng” về liên kết kinh tế của châu Á – Thái Bình Dương.
Hàng năm, APEC thường tổ chức khoảng 20 hội nghị lớn cùng 200 hoạt động trải khắp các địa điểm khác nhau của nền kinh tế chủ nhà. Tuần lễ cấp cao là hoạt động quan trọng nhất, thường tổ chức vào cuối năm, với các sự kiện chính như Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC (AELM), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) hay Đối thoại của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).
Các cuộc trao đổi thường niên của APEC đã hình thành xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực và thế giới, thông qua giảm thuế quan, các rào cản thương mại và thủ tục hải quan. Chỉ trong hai thập niên (1989 – 2014), mức thuế trung bình của APEC giảm từ 17% xuống 5,6%.
“Điểm quan trọng của APEC là các bên học hỏi lẫn nhau về việc giảm thuế quan, đảm bảo rằng sẽ không có cản trở trong việc tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hoá tự do. Mọi người đều muốn phấn đấu để có một chương trình nghị sự đem đến tăng trưởng cao hơn”, Jaime Zobel de Ayala, doanh nhân Philippines, nói.
Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard hồi tháng ba thừa nhận mục tiêu Bogor mà APEC mong muốn đạt được vào năm 2020 đã có dấu hiệu chững lại trong những năm qua. “Vì vậy, chúng tôi cần tiếp tục cải cách quy định”, ông nói.
0709-APEC-25Anniv-web-1-3-7808-8240-5227-1509437185

Thuế quan và chi phí giao dịch thương mại của APEC. Đồ họa: Ban Thư ký APEC.

Cơ hội đối thoại
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, APEC là một diễn đàn hợp tác xưa nay chưa từng có, lôi kéo sự tham gia đồng thời của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga, mở ra khả năng hợp tác giữa các nước lớn này và tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Mỹ muốn APEC phát triển thành một tổ chức chặt chẽ, thực dụng hơn đáp ứng lợi ích của Mỹ. Các lãnh đạo của Mỹ như cựu tổng thống Bill Clinton và cựu ngoại trưởng Warren Christopher đều từng nói đến viễn cảnh APEC sẽ không chỉ bao hàm các yếu tố kinh tế mà cả các yếu tố an ninh, chính trị. Australia và Canada cũng có ý tưởng tương tự.
Trong khi đó, Trung Quốc công khai nhấn mạnh chỉ duy trì APEC ở mức diễn đàn, không thể chế hoá APEC thành một tổ chức, không đưa thêm các vấn đề chính trị, an ninh vào chương trình nghị sự. Trung Quốc và Đài Loan đều là các nền kinh tế thành viên APEC, do đó Trung Quốc không chấp nhận thảo luận các vấn đề an ninh khu vực với sự tham gia của Đài Loan.
Các nước vừa và nhỏ trong APEC về cơ bản cũng không muốn APEC tiến triển quá nhanh cả về cơ cấu tổ chức lẫn nội dung hoạt động vì sợ các ngành công nghiệp non trẻ trong nước không điều chỉnh kịp và không chống đỡ nổi với sự cạnh tranh của các nước phát triển, đồng thời lo ngại vai trò của các nước vừa và nhỏ trong APEC sẽ mờ nhạt đi, theo ông Bùi Thanh Sơn.
Theo ông Bollard, một trong những điểm khiến APEC thành công là đây là nơi trao đổi về các vấn đề kinh tế thương mại, bất chấp những khác biệt và thay đổi về tình hình chính trị của các thành viên.
Tuy nhiên, APEC cũng cung cấp cơ hội để các nhà lãnh đạo gặp bên lề và bàn bạc về những vấn đề vượt ra ngoài chủ đề kinh tế. APEC năm 2014 tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ ở mức thấp nhất sau Chiến tranh Lạnh. Hai nước bất đồng về một loạt vấn đề, tiêu biểu như khủng hoảng Ukraine và Syria. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có ba cuộc gặp ngắn bên lề APEC 2014 để thảo luận về vấn đề Iran, Syria và Ukraine.
Cũng trong APEC 2014, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là sự kiện thu hút nhiều chú ý bởi đây là lần gặp đầu tiên kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên nắm quyền. Reuters nhận xét đây còn là bước đi trong nỗ lực “phá băng” quan hệ hai nước sau hai năm căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Sensaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
“Cuộc gặp tại APEC là cơ hội quan hệ công chúng cao cấp đối với chính phủ hai nước”, Ronald Huiskin, chuyên gia về an ninh Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói.
APEC đối với Việt Nam
Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998 và diễn đàn này đã đem lại lợi ích cũng như góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, theo Bộ Ngoại giao.
Tham gia APEC góp phần vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam.
Việc tham gia APEC còn góp phần nâng cao nội lực đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC đã thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam đối với các đối tác APEC.

VN-APEC-01-4714-1509436094-4442-1509437185Quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức và du lịch của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hợp tác APEC mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường của các nền kinh tế thành viên. Các doanh nghiệp Việt được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Sự gắn kết kinh tế – thương mại giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch với chất lượng và giá cả tốt hơn.
APEC đang triển khai các chương trình giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giao lưu sinh viên với mục tiêu cụ thể là trao đổi sinh viên giữa các trường đại học APEC đạt một triệu người vào năm 2020 và số lượt khách du lịch của APEC đạt 800 triệu người vào năm 2025.
Việt Nam lần đầu tiên tổ chức APEC vào năm 2006, với hơn 100 hoạt động. Hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế APEC đã được ký kết. Sự kiện này cũng quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động và mến khách.
Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng diễn ra vào ngày 6 – 11/11, với sự tham dự của hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn.
Chủ đề năm APEC 2017 tại Việt Nam là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Việt Nam đề xuất 4 hướng ưu tiên lớn là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đang chơi một trò chơi dài hơi. Việt Nam đang đóng góp nhiều sáng kiến trong năm nay”, ông Bollard nói. Với chủ đề Việt Nam đưa ra, “APEC có kỳ vọng cao về một tương lai chung vì đó luôn là mục tiêu của diễn đàn, không gì có thể thay đổi được”, ông nhấn mạnh.

Theo vnexpress.net