Tên đường ở Sài Gòn xưa được đặt như thế nào
Sự kiện lịch sử gần gũi nhau, hay tên các danh nhân, sẽ được đặt cho từng cụm đường như: thi sĩ và tướng quân Tây Sơn ở quận 3, khởi nghĩa Yên Bái ở quận 1, danh nhân đời Trần ở khu Tân Định…
Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập Ủy ban đổi tên đường đô thành để thay tên các con đường do Pháp đặt sang tiếng Việt. Chúng được đặt theo từng cụm, gồm các nhân vật hay sự kiện gần gũi nhau mang nhiều ý nghĩa lịch sử.
Đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn sẽ thấy cả một chiều dài lịch sử của Việt Nam qua từng con đường. Cửa ngõ Bến xe Miền Tây có các đường Hồng Bàng, Hùng Vương, An Dương Vương, Bà Triệu… rồi đến Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Triệu Quang Phục… tiếp đến là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Chiêu Hoàng…
Các con đường từ cửa ngõ Bến xe Miền Tây đi vào được đặt theo các nhân vật, sự kiện hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Ảnh: Google maps. |
Các bến sông Vạn Kiếp, Hàm Tử, Chương Dương… được đặt theo tên các trận đánh hiển hách của quân dân nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai 1284-1285. Còn bến Bạch Đằng được đặt theo con sông nơi Ngô Quyền lãnh đạo quân dân đánh thắng quân Nam Hán năm 938…
Càng gần trung tâm, các sự kiện, nhân vật càng tiệm cận đến hiện tại. Tại quận 1, con đường trước cổng Dinh Độc Lập (nối đến Thảo Cầm viên) dài hơn một km trước đây tên Thống Nhất (nay là đại lộ Lê Duẩn). Tên gọi này được cho là mang hàm ý sau dòng chảy 4.000 năm lịch sử thì tất cả đều tập trung về đây – đại lộ đẹp và rộng dẫn thẳng vào cơ quan quyền lực cao nhất thời đó.
Phía trước, đường một chiều chạy ngang cổng chính Dinh Độc Lập và TAND TP HCM được mang tên Công Lý (được cho là để ám chỉ công lý thì chỉ một chiều đúng hoặc sai). Sau năm 1975, đường Công Lý được đổi tên thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Đại lộ Lê Duẩn trước Dinh Độc Lập trước đây có tên Đại lộ Thống Nhất. Ảnh: H.C |
Dọc theo Đại lộ Thống Nhất có 2 đường nhỏ mang tên Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes để nhớ ơn những người đã tạo ra ngôn ngữ cho nước Việt. Hàn Thuyên là người sáng tạo ra chữ Nôm (được người Việt dùng trong gần 10 thế kỷ) để thay cho chữ Hán. Còn Alexandre de Rhodes – giáo sĩ người Pháp, có công lớn trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ đang sử dụng.
Hai mặt cửa Đông và Tây chợ Bến Thành cũng có 2 đường song song được đặt tên theo danh nhân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh một cách đầy ngụ ý. Một người khởi xướng phong trao Đông Du, người còn lại thì kêu gọi cải cách, học theo những tư tưởng tiến bộ của phương Tây để phát triển.
Trong khi đó, tên các danh tướng nhà Trần được đặt cho các tuyến đường gần nhau ở khu Tân Định (quận 1), gồm: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải…
Cụm danh tướng nhà Lê ở quận 4 gồm: Đinh Lễ, Lê Quốc Hưng, Lê Thạch, Lê Văn Linh.
Ở khu vực quận 3 là những con đường mang tên nhà văn, nhà thơ, học sĩ: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Lê Ngô Cát, Đặng Trần Côn, Tú Xương, Nguyễn Gia Thiều… cùng các võ tướng Tây Sơn như: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhiệm.
Cụm danh tướng nhà Trần được đặt tên cho các tuyến đường ở khu Tân Định, quận 1. Ảnh: Google maps |
Các nhà cách mạng tham gia khởi nghĩa Yên Bái chống Pháp (1930) gồm Nguyễn Thái Học (người sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng), Cô Giang (Nguyễn Thị Giang – vợ ông Nguyễn Thái Học), Cô Bắc (tên thật là Nguyễn Thị Bắc – em gái Cô Giang), Phó Đức Chính, Ký Con (tên thật là Đoàn Trần Nghiệp), Nguyễn Khắc Nhu… nằm ở khu vực Bến Thành (quận 1).
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (một trong hai tác giả sách Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh), Hội đồng đặt tên đường thời đó (1955) thường đặt theo khóm, cụm. Đó là cách đặt tên rất khoa học và rất hay, chỉ cần biết một tên đường có thể hình dung ra một khu vực.
Hiện, những cụm tên danh nhân vẫn được Hội đồng đặt tên đường thành phố giữ nguyên. Bên cạnh đó, một số cụm tên đường mới được hình thành như: cụm đường tên các loài hoa ở quận Phú Nhuận như: Hoa Lan, Hoa Sứ, Hoa Huệ, Hoa Cúc, Hoa Hồng…
Theo đề án Đặt, đổi tên đường, công trình công cộng đến năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, toàn thành phố có hơn 1.770 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” (không có ý nghĩa, trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật), trong khi đó quỹ tên đường của thành phố đang cạn. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều đường ghi sai tên danh nhân như: Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’Trang Lơng), Trần Khắc Chân (đúng phải là Trần Khát Chân)… Ngoài ra, gần 50 đường mang các tên khác nhau của 16 nhân vật như Trần Hưng Đạo – Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ – Quang Trung, Học Lạc – Nguyễn Văn Lạc… Hàng trăm tên đường trùng nhau như Cao Thắng, An Dương Vương… hoặc tên đường không mang tính thẩm mỹ như hai đường Kênh Nước Đen. |
Theo vnexpress.net