Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m2, từ ngày 30/9 đến 15/10.
Khuôn viên chùa Vạn Phước trên gò Dương Xuân, nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cùng với giáo sư Phan Huy Lê thực địa. Ảnh: Võ Thạnh |
Trong thời gian thăm dò, các cơ quan cấp phép phải chú trọng đến việc bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Những hiện vật thu thập được, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế bảo quản, báo cáo Bộ trưởng Văn hóa phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Trước đó ngày 30/10/2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn tại Huế. Tại đây, nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người 30 năm đi tìm kiếm tư liệu, thực địa, cho rằng cung điện Đan Dương được xây dựng gần chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, ngay gò Dương Xuân. Dưới cung điện là nơi chôn cất vua Quang Trung.
Theo ông Xuân, sử sách cũng đã ghi cung điện Đan Dương do vua Quang Trung xây dựng. Khi Ngô Thì Nhậm làm bài thơ “Cảm hoài” để tưởng nhớ vua Quang Trung, đã chỉ đích danh điện Đan Dương.
Khu vực chùa Thuyền Lâm, nơi đang lưu giữ một số tảng đá được tìm thấy khi xây dựng lại chùa. Ảnh: Võ Thạnh |
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu mộ vua Quang Trung ở Huế đã không đồng tình. Theo giáo sư Phan Huy Lê, theo cảm nhận của ông cung điện Đan Dương có tồn tại nhưng vấn đề về lăng mộ của vua Quang Trung nằm ở đâu thì còn phải nghiên cứu. Với tài thao lược quân sự, khi biết vua Gia Long Nguyễn Ánh sẽ đem quân đánh Phú Xuân khi ông mất, vua Quang Trung đã dặn dò triều thần nên dời đô về Nghệ An. Một người thông minh như vua Quang Trung sẽ không để cho vua Gia Long tìm thấy hài cốt của mình một cách dễ dàng như vậy.
“Còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm về vua Quang Trung cũng như cung điện Đan Dương xưa”, giáo sư Phan Huy Lê chốt ý kiến tại buổi hội thảo.
Võ Thạnh