Ngày 7/6, trước việc dự án cải tạo hệ thống thoát nước nâng mặt đường Kinh Dương Vương lên 2 m ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân quận Bình Tân, ông Nguyễn Thành Phong cùng các ban ngành xuống hiện trường kiểm tra.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tỏ vẻ ngỡ ngàng trước việc hàng trăm nhà dân bị xây tường chắn lối đi để làm đường chống ngập. Ảnh: Ngọc Hậu |
Khảo sát tuyến đường bị đơn vị thi công xây tường dọc 2 bên, chặn cửa nhà dân khiến hàng loạt ngôi nhà biến thành hầm, ông Phong thốt lên: “Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án”.
Tại buổi làm việc với các bên liên quan sau đó, ông Phong cho rằng, các đơn vị phải rút kinh nghiệm khi công khai dự án không rõ ràng. Dù đã lấy ý kiến người dân từ năm 2012 nhưng khi thực hiện công trình chủ đầu tư đã không khảo sát lại.
“Người dân không thể biết việc nâng đường cao như thế nào mà họ chỉ biết nâng đường để không còn ngập nên đồng ý. Bây giờ khi quây tường trước nhà thì người dân mới biết. Hơn thế, các đơn vị lựa chọn thời điểm triển khai công trình khi mùa mưa đến đã ảnh hưởng đến người dân rất nhiều”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền thành phố, dự án đã triển khai rồi nên phải làm đến cùng nhưng các đơn vị cần phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè; phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực.
“Các ngành phải tính toán mức hỗ trợ như thế nào và cách thức giải thích khi hỗ trợ cho người dân, chứ không phải chỉ mỗi việc cầm tiền đến đưa cho người ta là được”, ông Phong chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP HCM: “Người dân cứ nghĩ nâng đường để chống ngập nên mới đồng thuận”. Ảnh: Ngọc Hậu |
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m với tổng mức đầu tư 730,5 tỷ đồng. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng lên từ 0,4 đến 1,2 m đã dẫn đến nhà ở và công trình xây dựng dọc tuyến đường thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m. Dự án đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà; một bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết, chủ đầu tư chưa tính toán để giảm ngập cho cả lưu vực hơn 90 ha như dự tính. Thậm chí, họ cho rằng 90% dân quận Bình Tân đồng ý cho nâng đường nhưng thực tế họ chỉ khảo sát vài hộ, trong khi dự án ảnh hưởng đến vài trăm hộ.
“Chủ đầu tư cho rằng nâng đường Kinh Dương Vương lên cao độ 2 m mới không ngập nhưng người dân ở các con hẻm nói chỉ cần nâng hơn 1 m là được. Điều này quá nghịch lý, cần xem xét giảm độ cao thiết kế của dự án để”, ông Thinh nói.
Ông Thinh cũng dẫn kinh nghiệm: “Trụ sở Ủy ban thường ngập từ 0,5 đến 1 m. Để chống ngập, UBND quận Bình Tân lắp đặt van ngăn triều cho khuôn viên gần 1 ha, tại những điểm đặt cống và khi nước triều lên van ngăn triều đóng lại, khi mưa thì bơm nước ra. Vì thế, trong năm 2015 trụ sở không còn ngập nữa”.
Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM Nguyễn Ngọc Công cho biết sẽ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Dự án này sẽ tạm dừng để tìm ra phương án giảm cao độ tuyến đường và các giải pháp đồng bộ, giảm thiệt hại cho người dân.
>>Xem thêm video: Xây tường vây nhà dân để làm đường chống ngập
Ngọc Hậu