Thủ tướng: ‘Phải chống 2 khuynh hướng chủ quan và hoảng sợ’


Việt Nam cần chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, nhưng phải hài hòa.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho rằng “phải có cách tiếp cận, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới về phòng chống Covid-19, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện”. Ông cũng yêu cầu kế thừa các bài học kinh nghiệm và đổi mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Thủ tướng nhận định Việt Nam “cơ bản kiểm soát được tình hình”, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước cho thấy dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn.

Nhiều địa phương đang mất cảnh giác; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly về địa phương còn bất cập; biến chủng mới của virus lây lan nhanh, khó phát hiện. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải chống hai khuynh hướng là chủ quan và hoảng sợ. “Phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn”, Thủ tướng nói.


Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh việc nhập và tiêm vaccine diện rộng, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời, các đơn vị ứng dụng công nghệ tiên tiến để chống dịch.

Bộ Y tế được giao rà soát, xây dựng tiêu chí về các nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng… Dựa trên tiêu chí này, Bộ hướng dẫn giải pháp cụ thể, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra. Các đơn vị, địa phương căn cứ vào tiêu chí này để quyết định các biện pháp phù hợp, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội. “Tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương, song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài”. Chính phủ không làm thay cho tỉnh, huyện, xã”, Thủ tướng lưu ý.

Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và huy động mọi nguồn lực để thực hiện.

Chính phủ kêu gọi người dân trong và ngoài nước “vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của Covid-19”.

Các đơn vị chủ động đề xuất chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là nhóm người yếu thế trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp kết thúc năm học 2020-2021 phù hợp.

Theo vnexpress.net

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *